Sự phát triển bền vững của hạ tầng thể hiện qua khả năng đáp ứng của hệ thống đó với các nhu cầu có tính biến động (xã hội và công nghệ)

Nhân tố mềm quan trọng và khó lượng hoá

Đây thực sự là nhân tố mềm quan trọng và khó được lượng hóa đầy đủ, đôi khi các dự báo sai dẫn đến việc chuẩn bị cho hạ tầng chậm trễ. Lượng tăng đột biến xe máy tại Hà Nội vào đầu năm 2000 là một ví dụ. Lượng tăng lượng ô tô hiện nay ở Việt Nam cũng sẽ là một thách thức khi giai đoạn tới chúng ta không bảo hộ được thị trường ô tô trong nước nữa, giá ô tô rẻ đi (hiện nay cao hơn gần gấp 2-3 lần so với các nước khác) thì giao thông tiếp tục đối mặt với vấn đề ùn tắc do lượng ô tô cá nhân tăng.

Đối với nông thôn trong tương lai sẽ có những biến đổi tất yếu do sự chuyển đổi mô hình sản xuất nông thôn theo phương thức mới như tích tụ ruộng đất, sản xuất công nghệ cao. Hạ tầng nông thôn phải có sự chuẩn bị để đáp ứng với yêu cầu này.Tuy nhiên câu hỏi là hạ tầng nông thôn đi trước để tạo tiền đề phát triển hay đợi công nghệ sản xuất thay đổi trước rồi mới đáp ứng cần được cân nhắc để có giải pháp thích hợp.

Tính động trong sự phát triển của đô thị Việt Nam là một thách thức đối với công tác quy hoạch hạ tầng hiện nay

Dự báo dân số là một chỉ số đầu vào quan trọng để tính toán giao thông, lượng nước cấp, nước thải… Tuy nhiên với dân số trong từng khu vực, đặc biệt là các đô thị lớn, có hệ số biến động cao đòi hỏi cách tính toán và thiết lập luôn có phương án dự phòng và hoàn thiện. Rất cần xem xét lại các quy chuẩn tính toán hiện nay vì chưa tính đầy đủ đến các chỉ số biến động (số dân, nhu cầu sử dụng). Một ví dụ rất rõ là trên toàn Việt Nam đâu cũng nhìn thấy bình nước inox trên mái làm ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ kiến trúc đô thị, lý do đơn giản vì người dân không tin vào hệ thống cấp nước đủ áp lực và có thường xuyên, ngay cả trong khu đô thị mới nên phải làm riêng bể dự trữ. 
Trong khi ta không thấy hiện tượng này ở các nước phát triển. Phải chăng là người thiết kế sai, quy chuẩn thiết kế sai hay quản lý vận hành kém? Không phải vì chúng ta không áp dụng những phương pháp tính như của họ mà vì thông số đầu vào và thông số quản lý vận hành của chúng ta là khác biệt, hệ số biến động lớn, áp lực nước nhanh chóng bị giảm so với tính toán vì số dân người sử dụng tăng, mà điều này không phản ánh được vào trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế.

Quy chuẩn về quy hoạch, thiết kế tại các đô thị lớn và nhỏ

Quy chuẩn về quy hoạch, thiết kế tại các đô thị lớn và nhỏ phải rất khác nhau không chỉ ở ý nghĩa quy mô mà ở khía cạnh biến động các dữ liệu đầu vào tính toán. Trong một khu vực dân cư của đô thị lớn quy mô dân có thể tăng đến 3 lần trong 10 năm (các đô thị nhỏ sự biến động có thể chậm hơn) thì quy hoạch hạ tầng thường không có các các giải pháp để phát triển thích ứng với các khả năng biến động đó. Điều này cũng lý giải tại sao trong hầu hết các khu dân cư có nguồn gốc là làng xã đô thị hóa, hạ tầng nhanh chóng bị quá tải so với các quy hoạch cải tạo vừa được thực hiện.

Tính động trong phát triển hạ tầng cũng là nguyên nhân làm cho môi trường đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính quá trình xây dựng nâng cấp hạ tầng

Các thành phố lớn gần đây không lúc nào vắng bóng các con đường bụi bặm, lòng đường bị che chắn tôn gây ùn tắc giao thông của các dự án phát triển hạ tầng. Chúng ta thường nhận được câu trả lời rằng trong quá trình xây dựng điều này là đương nhiên xảy ra và chỉ có thể có được hạ tầng, môi trường tốt sau nhiều năm nữa theo đúng quy hoạch và kế hoạch.

Nhưng phát triển bền vững không chấp nhận những cách giải thích như vậy, tính ổn định, bền vững của môi trường phải luôn được duy trì, song hành cùng với phát triển đô thị. Chúng ta cần một môi trường sống tốt bây giờ chứ không muốn sống trong một môi trường ô nhiễm để đợi đến tương lai.

Phát triển theo hướng Hạ tầng xanh là một xu hướng đúng đắn, cần tích cực triển khai

Đây là hướng phát triển hạ tầng đã được minh chứng thành công ở một số nước phát triển như Đức, Pháp. Theo đó ngoài nguyên tắc phát triển đồng bộ của hạ tầng thì nguyên tắc giải pháp tích hợp với các yếu tố môi trường, năng lượng cũng được đặt ra trong định hướng phát triển.

Xuất phát từ quan điểm nhìn nhận sự phát triển hạ tầng đô thị là quá trình sử dụng tài nguyên và cũng tạo ra tài nguyên là đất đai, là nguồn nước ngầm, nước sông hồ, là năng lượng hóa thạch cho các nhà máy nhiệt điện, năng lượng từ các dòng sông của các nhà máy thủy điện. Gần đây rác đô thị cũng được coi là một nguồn tài nguyên để tái sử dụng.
Từ việc hiểu đúng đắn xây dựng hạ tầng đô thị là một quá trình sử dụng tài nguyên, mà tài nguyên không phải là vô tận, sẽ có những quan điểm thiết kế mới.

Quy hoạch phải gắn liền với phương thức sử dụng nguồn lực phát triển hạ tầng hiệu quả

Hạ tầng là cơ sở để phát triển đô thị nhưng xây dựng hạ tầng đồng thời cũng sử dụng nguồn tài chính lớn của đô thị để phát triển. Vì vậy phát triển hạ tầng sao cho có hiệu quả, sử dụng ít nhất tài nguyên và nguồn lực tài chính.

Đặc tính của hạ tầng là chỉ phát huy hiệu quả khi nó được hoàn chỉnh, đồng bộ. Vì vậy các giải pháp phát triển hạ tầng sao cho chi phí đầu tư thấp nhất (không chỉ dựa trên chí phí xây dựng) là mà tạo được hiệu quả cao nhất trong quá trình phát triển mới là điều cần suy nghĩ để có các giải pháp thực hiện trong giai đoạn tới.

Giải pháp đã được thực hiện thành công tại các quốc gia lân cận

Một số giải pháp đã được thực hiện ở một số địa phương thành công như Đà Nẵng, Nhật Bản, Malaysia: Hạ tầng khung đi trước một bước (có thể từ 2-5 năm), giảm chi phí đầu tư do phải đền bù giải phóng mặt bằng. Phát triển hạ tầng đi đôi với phát triển quỹ đất sạch hai bên đường cho các dự án đô thị có hiệu quả. 
Chính sách thu gom đất tái phân lô, hình thành hạ tầng đi kèm với điều chỉnh đất, giảm tối đa các miếng đất nhỏ, méo. Chính sách thuế thu từ sự gia tăng các giá trị đất do hạ tầng mang lại, đảm bảo sự công bằng xã hội và mang lại một nguồn lực đáng kể cho đô thị. Huy động được các nguồn vốn xã hội, người dân từ quan niệm là người sử dụng chuyển sang là người đồng sản xuất với Nhà nước.

Kết luận

Phương thức phát triển hạ tầng hợp lý có vai trò quyết định tới sự phát triển bền vững của đô thị chứ không chỉ nhìn nhận trên giải pháp thiết kế hay quy hoạch. Đây chính là khâu còn thiếu trong các chính sách quản lý phát triển đô thị, định hướng thiết kế, quy hoạch hiện nay.
Quy hoạch hạ tầng trong giai đoạn tới cần được thiết lập gắn kết với nguyên tắc quy hoạch cấu trúc đô thị trong mục tiêu phát triển đô thị bền vững. Xem xét lại sự phát triển thiếu kiểm soát, phi cấu trúc hiện nay, đảm bảo không phá vỡ những liên kết của hạ tầng với các chức năng chính của đô thị.
Hạ tầng phải có khả năng thích ứng, hoàn thiện với sự biến động của đô thị. Các giải pháp mềm, giải pháp thích ứng là một điều kiện trong quy hoạch hạ tầng thay vì chỉ đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật cứng.
Xu hướng phát triển Hạ tầng xanh tích hợp giải quyết các mục tiêu của hạ tầng với các vấn đề môi trường, năng lượng cần được xây dựng như một Chiến lược phát triển hạ tầng trọng tâm trong giai đoạn tới.
Hệ thống các chính sách để hỗ trợ các phương thức phát triển hạ tầng hiệu quả này cần được thiết lập để đảm bảo cho việc triển khai vào thực tiễn mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.

Nguồn: PGS.TS. Phạm Hùng Cường; Trường đại học Xây dựng

Shopping Basket