Từ thực tiễn phát triển hạ tầng trong nước và thế giới trong thời gian qua, có nhiều bài học từ sự thành công cũng như thất bại có thể cho chúng ta đúc rút ra một số kinh nghiệm và từ đó đặt ra nguyên tắc cho sự phát triển hạ tầng đô thị Việt Nam trong giai đoạn tới.

Khái niệm phát triển bền vững là một khái niệm rộng nhưng luôn bao hàm tính ổn định trong thế động, hiệu quả cho cả hiện tại và tương lai. Trong phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, ý nghĩa này lại càng thiết thực bởi hạ tầng được ví như một hệ thống mạch máu nuôi sống cơ thể đô thị. Sự hiệu quả không một phút nào ngừng, sự dẻo dai, bền bỉ trong hoạt động của mạch máu là điều sống còn với cơ thể con người cũng ý nghĩa giống như của hạ tầng đối với đô thị vậy.

Thường một dự án hiện tại có các mô hình phổ biến:

Lịch sử phát triển đô thị hàng trăm năm qua đã cho thấy không dễ dàng gì để áp dụng những bài học chuẩn mực về phát triển hạ tầng đô thị từ quốc gia này cho quốc gia khác. Bên cạnh những tính toán có vẻ rất dễ lượng hóa của lĩnh vực rất kỹ thuật này là vô vàn các yếu tố tác động, khó lượng hóa khác. Tình trạng tắc đường ở các đô thị lớn của các quốc gia phát triển như Tokyo (Nhật Bản), Moscow (Nga), Paris (Pháp) hay của đô thị các nước đang phát triển như New Delhi(Ấn Độ), Băngkok (Thái Lan)… hiện nay vẫn là những thách thức chung của thế giới trên con đường tìm kiếm một giải pháp phát triển bền vững cho đô thị.

Việt Nam là đất nước đang có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và vấn đề phát triển hạ tầng đô thị luôn đòi hỏi cấp thiết và cũng là vấn đề chứa đựng nhiều bức xúc chưa được giải quyết. Trong khi các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với các vấn đề về giao thông ùn tắc, thoát nước kém, môi trường đô thị chưa đảm bảo…các đô thị nhỏ lại có những vấn đề về thu hút nguồn lực để phát triển, mâu thuẫn giữa đầu tư hạ tầng và tính hiệu quả, nhiều dự án treo, khai thác kém.

Từ thực tiễn phát triển hạ tầng trong nước và thế giới trong thời gian qua, có nhiều bài học từ sự thành công cũng như thất bại có thể cho chúng ta đúc rút ra một số kinh nghiệm và từ đó đặt ra nguyên tắc cho sự phát triển hạ tầng đô thị Việt Nam trong giai đoạn tới. Có thể nhìn nhận trên các khía cạnh sau:

Sự phát triển bền vững của hạ tầng phụ thuộc vào sự hợp lý của cấu trúc quy hoạch của đô thị

Tại các nước phát triển giai đoạn 1960-1970, với ảnh hưởng của lý luận cấu trúc tầng bậc, một số đô thị có sự khu biệt hóa dẫn đến thiếu sôi động nhưng bù lại là một hệ thống giao thông phân cấp rất trật tự. Trong khi các đô thị lớn ở Việt Nam lại ở một thái cực khác có cấu trúc đô thị phi tầng bậc một cách quá mức đến không thể kiểm soát. Có thể thấy rõ thành phố Hà Nội hiện nay đang thực tế ở dạng cấu trúc “Đô thị lớn phát triển đậm đặc hình tia một trung tâm”, khác xa so với lý luận bàn tay xòe với các nêm xanh theo quy hoạch, có các trung tâm cấp đô thị, cấp quận rõ ràng ban đầu. Dự báo đường vành đai 2, 3 trong vài năm tới sẽ vẫn là con đường ác mộng về giao thông của Hà Nội.
Có thể với các đô thị nhỏ và trung bình, vấn đề này không phải là quá quan trọng do bán kính hoạt động của đô thị còn ngắn, nhưng không phải đã không có những cảnh báo về những bất lợi của cấu trúc như thành phố Hạ Long đang hình thành với chiều dài gần 35km (đô thị loại I, hiện khoảng 300.000 dân), bài toán phương tiện giao thông cộng cộng đang đặt ra bức thiết với khoảng cách hoạt động này.

Sự phát triển bền vững của hạ tầng phụ thuộc vào sự hợp lý của cấu trúc quy hoạch của đô thị

Những cách phát triển bố trí các công trình công cộng áp sát các đường vành đai theo kiểu suy nghĩ truyền thống đường ở đâu thì nhà và cửa hàng ở đó đã là lạc hậu. Đường giao thông ngày càng cần làm rõ hơn chức năng đường và phố, các tuyến đường vành đai cần được ưu tiên chức năng liên kết toàn đô thị hơn là biến nó thành các phố với dày đặc các công trình công cộng hai bên, gây ra tình trạng ách tắc giao thông.

Quy hoạch hạ tầng không thể tốt nếu cấu trúc đô thị chưa thực sự rõ ràng, lan tỏa đa chiều và biến động không ngừng

Nội dung quy hoạch cấu trúc đô thị trong đồ án trong thời gian qua có phần bị coi nhẹ. Sản phẩm của đồ án Quy hoạch chung là các bản quy hoạch sử dụng đất, định hướng kiến trúc cảnh quan, quy hoạch cấu trúc chỉ là phương án trong quá trình nghiên cứu. Thiếu tính cơ sở pháp lý để đối chiếu một điều chỉnh quy hoạch cấp dưới trong quá trình thực hiện hay quy hoạch. Hàng trăm các điều chỉnh nhỏ tạo nên điều chỉnh lớn nhưng không được điều chỉnh tương thích giữa quy hoạch sử dụng với hạ tầng khung chính là nguyên nhân của sự phát triển gây bất lợi cho hạ tầng đô thị.
Vì vậy công tác quy hoạch phải được nhấn mạnh hơn nữa đến quy hoạch cấu trúc đô thị, thống nhất khung hạ tầng với khung phát triển của đô thị, quá trình thực hiện phải tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo phát triển khung hạ tầng theo cấu trúc đô thị, từ đó mới có thể hy vọng một đô thị được phát triển tốt và hạ tầng có cơ sở hoàn thành tốt vai trò của mình.

Bài học từ thực tiễn là phát triển hạ tầng phải tính đến hiệu quả cuối cùng, không chỉ đánh giá trên quy mô hay khả năng chuyên chở, phục vụ của hệ thống

Không thể nói chắc rằng một đô thị có hệ thống tàu điện ngầm là một đô thị có hạ tầng tốt, hay một đô thị có hệ thống thu gom rác quy mô lớn là một đô thị có môi trường sạch sẽ. Ví dụ trường hợp của Tokyo, mặc dù được đánh giá là có hệ thống tàu điện ngầm hiện đại bậc nhất thế giới, vận hành chính xác từng phút thì nhìn vào những cảnh chen chúc trên tàu, hối hả chuyển tàu của hàng triệu người như những đàn kiến khổng lồ giữa các chuyến tàu, sự mệt mỏi trên những khuôn mặt của những người trên tàu biết rằng mình phải dành không ít hơn một giờ đồng hồ để đến được nhà thì cũng chưa thể nói đó là hệ thống hạ tầng mẫu mực nếu so với một đô thị khác không có tàu điện ngầm mà người dân chỉ mất 30 phút để từ nhà đến nơi làm việc.
Hạ tầng đô thị đang bị chạy theo những nhu cầu đòi hỏi dường như vô tận, những con đường cứ mở rộng dần, từ 2, 4, đến 8 và thậm chí nay đến cả 50 làn xe như ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu của phát triển hạ tầng mà phải nhìn nhận trên hiệu quả lưu thông, hiệu quả vận hành, đáp ứng. Chi phí thấp mà hiệu quả, khoảng cách di chuyển ngắn không những đóng góp cho quan hệ xã hội của đô thị tăng lên mà còn tạo điều kiện cho môi trường đô thị được trong sạch, giảm lượng giao thông.
Sự phát triển đậm đặc đô thị tuy rút ngắn khoảng cách đi lại nhưng lại tạo sức ép lên việc phát triển hạ tầng ngầm. Tuy nhiên việc xây dựng hạ tầng ngầm là phức tạp và tốn kém hơn nhiều so với hạ tầng nổi. Đây cũng sẽ là vấn đề cần được cân nhắc trên tất cả các khía cạnh của sự phát triển.

Nguồn: tapchikientruc.com.vn

Shopping Basket