Gỗ là một trong những vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường nhất, nhưng nó vẫn hiếm khi được xem xét sử dụng trong xây dựng nhà cao tầng – cho đến nay. Thông thường, thép và bê tông được ưu ái vì sự vượt trội trong hiệu suất cấu trúc của chúng. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự tiến bộ của ngành kỹ thuật gỗ đã mang lại sự hình thành của những công trình bằng gỗ cao hơn ở khắp nơi  trên toàn thế giới. Một số tòa nhà cao nhất trong số các tòa nhà bằng gỗ này sẽ là Canada’s Earth Tower, ở Vancouver, Canada, do kiến trúc sư Perkins & Will thiết kế, và trụ sở Atlassian mới ở Sydney, Australia, do SHoP Architects thiết kế.

Những Công Trình Gỗ Cao Nhất Thế Giới

Tự hào với 40 tầng, Canada’s Earth Tower là một dự án phát triển hỗn hợp được đề xuất sẽ là sự kết hợp của một cao ốc gồm 200 ngôi nhà với một khối đế chứa văn phòng và các không gian bán lẻ. Những khu vực này đều nhìn ra một khoảng sân rộng lớn, trong khi các khu vườn mùa đông sẽ nằm dọc theo chiều cao của tòa nhà chọc trời để cư dân có thể ngắm nhìn đồng thời mang lại cảm giác được hòa nhập với cộng đồng. Sân thượng và khu vực nhà kính sẽ cung cấp thêm mảng xanh cho cư dân. Tổng diện tích sàn của dự án phát triển được đề xuất là gần 340.000 feet vuông.

Tương tự, trụ sở Atlassian được đề xuất cũng sẽ cao 40 tầng (hoặc 180m) và sẽ là sự kết hợp của gỗ với mặt tiền bằng thép và kính. Cùng với điểm nhấn là khu vườn trên tầng mái so le, những không gian xanh trong nhà và ngoài trời sẽ giúp tòa nhà tận dụng khí hậu ấm áp của Sydney để làm mờ ranh giới giữa khối kiến trúc này và môi trường xung quanh. Nó cũng sẽ có khả năng tự che nắng để giúp ngăn ngừa việc tòa nhà trở nên quá nóng nhờ vào mặt tiền bằng kính, sự thông gió tự nhiên và các tấm pin mặt trời tích hợp.

Công Trình Gỗ Hỗn Hợp

Những công trình bằng gỗ thông thường sẽ bị giới hạn về độ cao do sự quan ngại về mức độ đảm bảo an toàn cũng như khả năng dễ bắt lửa. Tuy nghiên, những bước tiến trong việc chế tạo gỗ kỹ thuật (engineered wood), cũng như sự phối hợp nhịp nhàng của gỗ và xi măng gia cố đã cho phép các loại công trình kiến trúc này vươn lên một tầm cao mới.

Những Ích Lợi To Lớn Từ Vật Liệu Xây Dựng Này

Gỗ có khả năng hấp thụ carbon và trữ nó bên trong. Quá trình này còn được biết đến với tên gọi là sự cô lập carbon. Trong suốt vòng đời của mình, những công trình từ gỗ cũng thải ra một lượng khí nhà kính ít hơn đáng kể so với những công trình truyền thống sử dụng xi măng. Do đó, chuyển dịch sang sử dụng nguyên liệu gỗ kết hợp sẽ tạo nên những công trình bền vững hơn, với cả hai tòa tháp đều được tích hợp những tính năng thân thiện với môi trường.

Tòa Earth Tower của Canada được thiết kế để trở thành 1 tòa nhà không phát thải, nơi sẽ không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong suốt vòng đời của mình và có định mức tiêu thụ năng lượng hằng năm vào khoảng 40kWm/m2. Ngoài ra, nơi này cũng đang phấn đấu để đạt được chứng nhận “Passive House” cũng như ấp ủ nhiều kế hoạch tham vọng nhằm giảm thiểu việc sử dụng nước uống và tái sử dụng nước mưa. Những mục tiêu xanh này cũng đồng nghĩa với việc những bước phát triển trên sẽ là một phần của Chương trình Thí điểm các Tòa nhà không Carbon của Hội đồng Công trình xanh Canada. Chương trình này sẽ góp phần cập nhật thông tin về quá trình phát triển của các Tiêu chuẩn Xây dựng Không Carbon trên cả nước.

Trụ sở chính của Atlassian đã lên kế hoạch vận hành tòa nhà hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo, thông qua việc sử dụng các tấm pin mặt trời tích hợp. Ngoài ra, nơi đây cũng đặt chỉ tiêu mức thải ròng bằng không sau khi hoàn thành. Nhờ vào việc sử dụng nguyên liệu gỗ, tòa nhà sẽ thả ra lượng carbon ít hơn một nửa trong quá trình xây dựng so với một tòa nhà được xây theo kiểu truyền thống.

Với những tòa nhà này, việc sử dụng nguyên liệu gỗ kết hợp sẽ giúp các kiến trúc sư và kỹ sư tạo nên những tòa nhà bền vững hơn, nơi sẽ có môi trường làm việc trong lành hơn và tiết kiệm năng lượng tốt hơn.

Source: blog.allplan.com

Shopping Basket